TIN TỨC SỰ KIỆN
UBND xã – Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Dục Tú đã ban hành Thông báo số 141/TB-BCH ngày 04/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (Bão Yagi), nội dung Thông báo nêu rõ các yêu cầu đối với từng đơn vị, bộ phận trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ để chủ động ứng phó với cơn bão số 3
Theo thông tin của cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão số 3 trên biển Đông năm 2024 - bão Yagi là một cơn bão mạnh có thể đạt đến mức siêu bão đang trên đường tiến vào nước ta và ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh thành miền Bắc, có thể gây gió mạnh và mưa lớn. Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và Huyện, UBND xã – Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Dục Tú đã ban hành Thông báo số 141/TB-BCH ngày 04/9/2024 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (Bão Yagi), nội dung Thông báo nêu rõ các yêu cầu đối với từng đơn vị, bộ phận trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ để chủ động ứng phó với cơn bão số 3:
1. Ban chỉ huy quân sự xã, Đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã:
- Theo dõi sát diễn biến cơn bão số 03, tham mưu cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã thông báo, phương án ứng phó, rà soát, bổ sung vật tư, phương tiện, lực lượng đảm bảo sẵn sàng huy động thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 03.
- Tổ chức ứng trực 24/24 giờ; Tổng hợp, báo cáo mọi diễn biến về thời tiết, tình trạng úng ngập, thiệt hại (nếu có) và tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.
2. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp xã Dục Tú:
- Thông báo, đôn đốc Nhân dân thu hoạch sớm, nhanh gọn diện tích hoa màu, thực hiện các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát nước cho diện tích lúa đã gieo cấy vụ Mùa 2024.
- Phối hợp với Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Đông Anh kiểm tra hiện trạng toàn bộ hệ thống công trình thuỷ lợi, kênh mương nội đồng;
- Chuẩn bị phương án, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý kịp thời các sự cố úng ngập. Tổ chức khơi thông cống rãnh, kênh mương, xử lý ngay các điểm ách tắc để đảm bảo thông thoáng dòng chảy, hạn chế tối đa ngập úng cục bộ khi có mưa to. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để vận hành bơm tiêu thoát nước.
- Theo dõi, tham mưu UBND xã thẩm định, kiểm tra và đề nghị hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 03 theo quy định.
3. Công an xã Dục Tú:
- Phối hợp với Ban chỉ huy quân sự xã bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp, hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, xử lý các sự cố (nếu có) do ảnh hưởng của cơn bão số 03.
- Phân công cán bộ, chiến sĩ trực 24/24 giờ. Xây dựng và triển khai phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.
4. Công chức địa chính xây dựng, Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị:
- Thông báo đến các đơn vị, các hộ gia đình đang có công trình xây dựng trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các công trình xây dựng. Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, hộ gia đình triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình có nguy cơ đổ sập do ảnh hưởng của bão.
- Kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng, tham mưu UBND xã, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã xử lý, cắt tỉa kịp thời cây xanh có nguy cơ gãy đổ.
- Phối hợp chặt chẽ với Điện lực Đông Anh rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống trạm biến áp, cột điện, đường dây dẫn điện. Khắc phục, xử lý kịp thời các khu vực có hệ thống điện đã xuống cấp, nguy cơ cao xảy ra gãy đổ cột điện, đứt dây dẫn điện hoặc chập cháy để đảm bảo an toàn khi mưa bão. Chuẩn bị hệ thống máy phát điện để đảm bảo dự phòng cung cấp điện tại các khu vực chỉ huy, điều hành.
5. Công chức Văn phòng - Thống kê xã:
- Phối hợp với Ban chỉ huy quân sự xã tổng hợp, báo cáo kịp thời diễn biến thời tiết, tình trạng úng ngập về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã để triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.
- Phối hợp xây dựng phương án chủ động ứng phó với cơn bão số 03; tập trung bổ sung vật tư, trang thiết bị để đảm bảo huy động kịp thời khi có lệnh; Tham mưu xây dựng lịch trực 24/24 giờ và đảm bảo công tác hậu cần tại trụ sở trực của Ban chỉ huy xã.
6. Công chức Văn hoá - Xã hội phụ trách văn hoá, thông tin, Đài truyền thanh xã Dục Tú:
- Biên tập nội dung tuyên truyền, cảnh báo, khuyến cáo Nhân dân thực hiện các biện pháp ứng phó với ảnh hưởng của bão. Đài truyền thanh xã duy trì đầy đủ tiếp âm đài Huyện đối với các nội dung cảnh báo liên quan đến cơn bão số 03.
7. Công chức Văn hoá – Xã hội phụ trách lao động, thương binh, xã hội, Hội Chữ thập đỏ xã:
- Chủ động rà soát, kiểm tra đối với các hộ gia đình có nhà ở dột nát trên địa bàn, tham mưu cho UBND xã hỗ trợ chằng chống nhà cửa, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, kiên quyết di dời các hộ dân đang sinh sống trong nhà ở không đảm bảo an toàn, có nguy cơ đổ sập.
- Tham mưu các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời các đối tượng chính sách, xã hội, hộ gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 03 để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
8. Đề nghị UB MTTQ xã, các tổ chức chính trị - xã hội:
- Phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã triển khai các biện pháp ứng phó với cơn bão số 03.
- Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bão tại gia đình, tham gia hỗ trợ Tiểu ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các thôn khi cần thiết.
9. Các nhà trường:
Chủ động theo dõi, cập nhật thông tin về thời tiết, diễn biến của cơn bão số 03. Xây dựng phương án phòng chống lụt bão tại nhà trường đồng thời chủ động các tình huống, kịch bản dạy và học trong thời gian bị ảnh hưởng do bão để đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
10. Trạm y tế xã:
- Chuẩn bị thuốc, vật tư y tế, phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại Trạm y tế xã để đảm bảo huy động kịp thời khi có lệnh. Triển khai phương án sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho Nhân dân trước, trong và sau khi có bão.
- Hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian chịu ảnh hưởng của bão.
11. Tiểu ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các thôn:
- Kiểm tra toàn bộ các vị trí xung yếu, có nguy cơ ngập úng cục bộ do mưa lớn, ảnh hưởng của cơn bão số 03.
- Chuẩn bị vật tư, phương tiện, bố trí lực lượng theo phương châm “04 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng huy động khi có lệnh để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với ảnh hưởng của cơn bão số 03.
- Vận động, tuyên truyền, khuyến cáo Nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bão tại hộ gia đình, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
- Tổ chức ứng trực 24/24 giờ tại Nhà văn hoá thôn, báo cáo tình hình diễn biến thời tiết, tình trạng ngập úng, thiệt hại, đề nghị hỗ trợ(nếu có) về Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã để kịp thời xử lý.
12. Đề nghị Đội quản lý điện 3 - Công ty Điện lực Đông Anh:
- Kiểm tra và bảo trì các thiết bị điện, các trạm biến áp, gia cố cột điện, đảm bảo chúng có khả năng hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Phối hợp với Đội xung kích chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các thôn tiến hành phát quang cành cây, các vật dụng ảnh hường đến đường dây truyền tải điện. Có thể cắt điện ở những khu vực có nguy cơ cao để đảm bảo an toàn cho người dân. Cung cấp kịp thời cho người dân về tình hình bão và các biện pháp an toàn sử dụng điện trong mưa bão.
UBND xã đề nghị toàn thể Nhân dân trên địa bàn xã tích cực triển khai các phương án ứng phó với cơn bão, không chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng không để bị động, bất ngờ.
Ngoài ra, đề nghị Nhân dân chủ động thực hiện các khuyến cáo phòng chống bão.
Trước tiên là những việc cần làm trước khi bão đổ bộ;
+ Thường xuyên theo dõi các thông tin cảnh báo;
+ Bảo vệ lồng bè, tài sản, gia súc, gia cầm; Thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp;
+ Gia cố, chằng, chống nhà cửa, cắt, tỉa cành cây; Xác định vị trí trú ẩn an toàn; chủ động sơ tán đến nơi an toàn;
+ Đề phòng mưa, lũ, lũ quét trước, trong và sau bão;
+ Dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết ít nhất trong 7 ngày;
+ Chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền.
Sau khi đã thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản xong, khi bão bắt đầu đổ bộ cũng như trong suốt quá trình bão gây ảnh hường, người dân cần thực hiện một số khuyến cáo cụ thể như sau:
- Không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản.
- Nên ở trong nhà, nơi trú ẩn, không đi ra ngoài.
- Không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ.
- Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật...
- Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu hộ, cứu nạn.
- Chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền.
Sau khi xảy ra bão:
– Tiếp tục theo dõi tin tức và cập nhật tình hình thời tiết sẽ xảy ra để có kế hoạch chủ động ứng phó;
– Chú ý đến các yếu tố nguy hiểm như đường dây điện bị đứt, nước nhiễm điện, vì thông thường khi bão tan khả năng lũ lụt vẫn còn có thể xảy ra;
– Không đến gần hoặc đi vào các ngôi nhà đã bị hư hại, ngập nước, tuân thủ theo các biển cảnh báo khi lái xe, không đi vào đường bị ngập nước hoặc có chướng ngại vật (ngay cả với phương tiện lớn), vì phương tiện có thể bị nước cuốn trôi hoặc nguy hiểm.