TIN TỨC SỰ KIỆN
(XDT) - Tháng 8/1947, tại nhà ông Đỗ Văn Đản (Thôn Dục Tú), chi bộ Đảng xã Dục Tú, tiền thân của Đảng bộ xã Dục Tú ngày nay được thành lập. Đến nay, trải qua 77 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ xã Dục Tú cũng có những thành quả phát triển đáng tự hào, không ngừng vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Từ một Chi bộ với rất ít đảng viên, đến năm 2024, Đảng bộ xã đã có 537 đảng viên; Trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công là bước ngoặt lịch sử dẫn tới sự ra đời của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á vào ngày 02/9/1945. Ngay từ khi mới ra đời, chính quyền cách mạng đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, thù trong, giặc ngoài đe doạ nền độc lập dân tộc, vận mệnh đất nước lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tháng 11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố giải tán và rút vào hoạt động bí mật dưới danh nghĩa “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”. Đảng vẫn giữ vai trò lãnh đạo cách mạng thông qua mặt trận Việt Minh, thông qua chính quyền; Từ “Đoàn thể” lúc này được thể hiện là Đảng. Thành công lớn của Đảng ta trong thời kỳ này là tăng cường thực lực cách mạng cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa tư tưởng, đồng thời phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân. Cùng với sự chăm lo xây dựng chính quyền, Đảng cũng tự chăm lo phát triển tổ chức của mình, nhanh chóng phát triển Đảng viên và lập các tổ chức cơ sở Đảng.
Thực hiện sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, lúc này Uỷ ban lâm thời nhân dân cách mạng trong xã Dục Tú được thành lập, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách là phát triển mạnh mẽ các lực lượng chiến đấu bảo vệ chính quyền, đối phó với mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, đồng thời xoá bỏ các khế ước nợ nần bất hợp lí, thủ tiêu thuế thân, thuế chợ, thuế đò, giải tán các phe, các giáp và từng bước giải thoát cho nhân dân được tự do, bình đẳng.
Thực hiện lời kêu gọi ủng hộ của Chính phủ, phong trào "Tuần lễ vàng" do Bác Hồ phát động đã được nhân dân trong xã Dục Tú hưởng ứng sôi nổi. Trên cơ sở phong trào ở xã Dục Tú phát triển mạnh mẽ và đều khắp, năm 1946, Huyện bộ Việt Minh huyện Từ Sơn đã chọn thôn Đình Tràng làm địa điểm mở lớp bồi dưỡng chính trị đầu tiên của huyện cho hơn 100 người.
Đầu năm 1947, theo sự chỉ đạo của Huyện ủy Từ Sơn, các xã Dục Tú, Châu Khê, Quang Trung thành lập chi bộ ghép mang tên Chi bộ Cộng Hòa do đồng chí Hán Sỹ Quyết làm Bí thư. Lúc này, xã Dục Tú có 2 đảng viên tham gia. Trong năm 1947, nhờ sự giúp đỡ của Huyện ủy Từ Sơn, xã đã phát triển thêm một số đảng viên.
Tháng 8/1947, tại nhà ông Đỗ Văn Đản (Thôn Dục Tú), chi bộ Đảng xã Dục Tú được thành lập, đồng chí Nguyễn Văn Khương, cán bộ Huyện ủy Từ Sơn được phân công làm Bí thư Chi bộ. Ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đã bắt đầu, cuộc họp đầu tiên của Chi bộ đã đề ra những chủ trương: Một là, động viên nhân dân tiếp tục tăng gia sản xuất, mở rộng phong trào bình dân học vụ; Hai là, phát triển lực lượng vũ trang chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, đồng thời củng cố, xây dựng các đoàn thể, chính quyền; Ba là, tuyên truyền, bồi dưỡng phát triển đảng viên mới.
Trong điều kiện hoạt động bí mật song Chi bộ đã tích cực hoạt động, nhờ sự giúp đỡ của cấp trên và sự tham gia cách mạng tích cực của quần chúng, qua một số lớp bồi dưỡng huấn luyện, sau một năm, Chi bộ đã phát triển ở mỗi thôn 1, 2 đảng viên mới. Bí thư Chi bộ Đảng xã thời kỳ 1947-1954 gồm các đồng chí: Hán Sỹ Quyết (Cán bộ Huyện ủy Từ Sơn), Nguyễn Văn Khương (Cán bộ Huyện ủy Từ Sơn); Nguyễn Huy Lạc (Thôn Dục Tú 2); Nguyễn Văn Thịnh (Cán bộ Huyện ủy Từ Sơn), Lê Văn Chí (Thôn Nghĩa Vũ).
Từ đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ Đảng, phong trào được dấy lên thành cao trào mạnh mẽ, rộng lớn. Chi bộ được củng cố, xây dựng, phát triển và trưởng thành nhanh chóng, trở thành hạt nhân lãnh đạo nhân dân xã Dục Tú trong kháng chiến. Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân tham gia kháng chiến cứu Quốc, củng cố chính quyền cách mạng, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ", trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hàng chục trận đánh mưu trí, táo bạo trong và ngoài địa bàn Xã đã được Chi bộ xã Dục Tú lãnh đạo tiến hành, đã diệt và bắt hàng 283 tên địch, trong đó có 5 sỹ quan Pháp, thu 4 khẩu cối 60 ly, 2 đại liên, 2 trung liên cùng nhiều súng trường, tiểu liên, phát và thu 3 xe tải, 4 xe zíp cùng nhiều quân trang, quân dụng, vận động 150 binh lính theo địch trở về với nhân dân. Dục Tú đã đóng góp hàng trăm lượt con em tham gia dân công và gia nhập quân đội, hàng chục tấn thuế nông nghiệp cho nhà nước...góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Từ năm 1954 đến năm 1975, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng là xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Chi bộ và nhân dân Dục Tú bước vào thời kỳ cách mạng mới: vừa lao động sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc của giặc Mỹ và chi viện sức người, sức của cho Miền Nam. Thấu suốt quan điểm của Đảng và lời dạy quý báu của Bác Hồ "Không có gì quý hơn độc lập tự do", ra sức xây dựng quê hương vững mạnh thực sự là hậu phương lớn chi viện cho Miền Nam đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến và nhiệm vụ trên giao. Mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt, Chi bộ xã đã lãnh đạo nhân dân bám ruộng, bám đồng tăng gia sản xuất đảm bảo đầy đủ lương thực, thực phẩm cho nhân dân, cung cấp cho bộ đội, dân quân và đóng góp chi viện cho tiền tuyến với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".
Ngày 31 tháng 5 năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 78-CP về việc chia các khu vực nội thành và ngoại thành của Thành phố Hà Nội, theo đó, các xã Dục Tú, Mai Lâm, Liên Hà, Vân Hà, Đông Hội trở thành đơn vị hành chính cấp xã của huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Tại Đại hội lần thứ 8 (Tháng 11/1961), chi bộ xã chính thức phát triển thành Đảng bộ với 8 chi bộ ở 8 thôn và trực thuộc Huyện ủy Đông Anh.
Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân xã Dục Tú đóng góp hàng chục nghìn ngày công, hàng nghìn tấn lương thực, hàng trăm tấn thực phẩm, hàng nghìn lượt đoàn viên thanh niên tham gia quân đội, hàng trăm lượt thanh niên tham gia thanh niên xung phong… góp phần to lớn vào thắng lợi chống Mỹ giải phóng đất nước.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đem lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, quê hương Dục Tú bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, trải qua thời kỳ kinh tế bao cấp với nhiều khó khăn, thiếu thốn, Đảng bộ và nhân dân trong xã vẫn tiếp tục vượt qua những khó khăn gian khổ và đem lại nhiều thành tựu có sức thuyết phục.
Từ năm 1986, nhất là từ sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đảng bộ xã Dục Tú tiếp tục phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trên mọi lĩnh vực, trong sạch, vững mạnh về mọi mặt, ra sức lãnh đạo quê hương phát triển thực hiện theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đến nay, sau 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-2024), diện mạo xã Dục Tú đã có nhiều thay đổi tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn xã luôn được duy trì ở mức tăng trưởng khá, 6 tháng năm 2024 ước đạt 10%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng: Tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, duy trì tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản; Thu nhập bình quân đầu người trung bình đạt 85 triệu đồng/người/năm; Xã không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 0.7% dân số; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh; Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 97.3%... Đi cùng với sự phát triển của đời sống người dân, Đảng bộ xã Dục Tú cũng có những thành quả phát triển đáng tự hào, không ngừng vững mạnh cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Từ một Chi bộ với rất ít đảng viên, đến năm 2024, Đảng bộ xã đã có 537 đảng viên; Trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao; Phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống xứng đáng là tấm gương để xây dựng phong trào quần chúng. Đảng bộ nhiều năm liền giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Dịp kỷ niệm 77 năm thành lập chi bộ xã Dục Tú, tiền thân của Đảng bộ xã Dục Tú năm nay diễn ra trong thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Năm 2024 là năm cuối Đảng bộ xã nhà tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ xã khóa XXXI, nhiệm kỳ 2020-2025; Là năm tiến hành Đại hội chi bộ tiến tới Đại hội Đảng bộ Xã khóa XXXII, nhiệm kỳ 2025-2030; năm kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại của Đất nước, Thủ đô và Huyện. Tự hào về sự vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam, tự hào về truyền thống 77 năm ra đời và lớn mạnh của Đảng bộ xã Dục Tú, với ý chí sắt đá luôn một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, với niềm vinh dự được là đội ngũ kế thừa những thành quả đấu tranh cách mạng kiên cường của Đảng bộ và Nhân dân Dục Tú qua 77 năm, mỗi cán bộ, đảng viên Dục Tú hôm nay cần nhận thức rõ hơn nữa trách nhiệm của bản thân, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, phát huy mạnh mẽ tinh thần tiền phong, gương mẫu, cống hiến vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, bồi đắp lý tưởng cách mạng, luôn vững vàng kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên trì học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo Nhân dân xã nhà đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng xã Dục Tú thành Phường, xây dựng quê hương Dục Tú ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại và phát triển bền vững.