Truy cập nội dung luôn
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN









CHUYỂN ĐỔI SỐ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Hướng đến chính quyền số
Ngày đăng 30/08/2024 | 09:00  | Lượt xem: 76

(XDT) - Tiến trình chuyển đổi số (CĐS) tại Dục Tú đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, trong đó người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là nguồn lực vừa là đối tượng thụ hưởng. CĐS muốn thành công, ngoài đầu tư về hạ tầng công nghệ đòi hỏi phải có những công dân số với nhiều kỹ năng số. Vì vậy, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho công dân đang được Dục Tú thực hiện đồng bộ, không chỉ chính quyền nỗ lực tạo ra nhiều tiện ích trong CĐS mà mỗi người dân, doanh nghiệp cũng đang tự nâng cấp mình thành những công dân số.

Mở cửa chính quyền số

3 năm nay, từ nguồn xã hội hóa, 11 thôn đã lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại nhà văn hóa. Nhờ đó, các buổi sinh hoạt chi bộ, ngoài những thông tin do bí thư chi bộ cung cấp, các đảng viên còn sử dụng điện thoại thông minh truy cập internet để tra cứu, nắm bắt thêm các văn bản liên quan. Hay như các hoạt động tập trung đông người, cài đặt định danh điện tử mức 2 cũng thuận tiện hơn vì có wifi.

Bà Lê Thị Huế, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nghĩa Vũ chia sẻ: “Sau khi nhà văn hóa thôn được lắp wifi, người dân đến nhà văn hóa đông hơn, không chỉ tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ mà còn sử dụng wifi để đọc tin tức. Chi phí lắp đặt ban đầu chỉ tốn vài triệu đồng nhưng hiệu quả mang lại là gắn kết tình làng nghĩa xóm, đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người dân”.

Mạng wifi phủ rộng là điều kiện thuận lợi để các nhóm Zalo thôn hoạt động tích cực, từ đó kết nối người dân với nhau, lan tỏa thông tin, các phản ánh, kiến nghị của người dân đến cấp ủy, chính quyền cũng nhanh chóng và chính xác hơn.

UBND xã đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đưa người dân lên môi trường số. Các tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn đã dành nhiều thời gian đến địa bàn hỗ trợ người dân tham gia CĐS, hướng dẫn tiếp cận công nghệ theo cách “cầm tay chỉ việc” cho từng trường hợp. Từ đó người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thực áp dụng vào cuộc sống.

Thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích người dân trở thành những công dân số, khai thác hiệu quả các dịch vụ, nền tảng số do Nhà nước cung cấp, góp phần phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, xã Dục Tú đã tuyên truyền, vận động người dân và các hộ kinh doanh, buôn bán không dùng tiền mặt. Hiện 80% cửa hàng, quán ăn trên địa bàn xã đều đã sử dụng phương thức thanh toán qua mã QR, thúc đẩy lộ trình phát triển kinh tế số tại địa phương.

Chị Phạm Thị Hà, tiểu thương buôn bán tại chợ Dục Tú cho rằng: Nếu trước đây, người dân luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với thẻ ATM hoặc chiếc điện thoại thông minh đã có thể thanh toán mọi dịch vụ. Các cửa hàng, quán cà phê và cả người bán hàng tại chợ cũng đều có mã QR để người dân thuận tiện chuyển khoản.

Hạ tầng số phủ rộng

Chính quyền số là một trong 3 trụ cột chính, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy quá trình CĐS. Trong các tiêu chí hoạt động chính quyền số, việc nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức về CĐS; hệ thống quản lý văn bản điều hành công việc; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; kênh giao tiếp giữa chính quyền và người dân… đang được UBND xã nỗ lực, quyết liệt triển khai. Cụ thể, UBND xã đã tập trung đầu tư về hạ tầng, công nghệ là một trong rất nhiều giải pháp để thực hiện thành công chính quyền số. Hiện cơ quan UBND xã đã khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản; 100% lãnh đạo Xã, công chức chuyên môn được cấp chứng thư số chuyên dùng; thực hiện ký số trên phần mềm quản lý văn bản và gửi - nhận trên môi trường điện tử theo trục liên thông... Các lực lượng chức năng của xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân giải quyết nhanh, hiệu quả các thủ tục hành chính cần thiết.

Thời gian qua, từ nguồn ngân sách cùng sự vào cuộc của các tập đoàn công nghệ, nhà mạng viễn thông, xã đã được đầu tư hạ tầng viễn thông, đường truyền internet tốc độ cao, phủ lõm sóng. Toàn xã đã có 100% thôn có hạ tầng băng rộng cố định; mạng di động 3G/4G cũng đã phủ sóng 100% thôn; số hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 90%; tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đạt 91%. Từ đó, người dân dễ dàng thực hiện các thao tác, sử dụng nhiều tiện ích thông minh mà Nhà nước cung cấp.

Trần Thị Huyền Trang

 






Thông kê truy cập Thông kê truy cập

Đang online: 1447
Lượt truy cập trong tuần: 11471
Lượt truy cập trong tháng: 28192
Lượt truy cập trong năm: 865036
Tổng số truy cập: 1952962